13-12-2022 | 6354
Lựa chọn ngành nghề phù hợp, tránh học ngành mình không thích là một trong những điều kiện tiên quyết đầu tiên cho việc xây dựng tương lai, ai cũng muốn chọn lựa cho bản thân một nghề phù hợp với sở thích, sở trường và có được thu nhập ổn định, nhưng không phải ai cũng có được tất thảy những điều đó.
Mục lục trang [Ẩn]
Nhiều bạn chán nản, hối hận khi chọn sai ngành học. Ảnh: internet.
Có nhiều lựa chọn cho tương lai của mỗi người, có người chọn theo đuổi đam mê, theo ước mơ để trở thành những hình tượng mà họ hằng mong ước, có người lựa chọn theo thời cuộc, theo lý trí bằng cách nhìn nhận mọi thứ đang diễn ra trong cuộc sống và nắm bắt những sự tăng trưởng tiềm năng trong tương lai để theo học và đón đầu xu thế, lại có người học theo sự định hướng của gia đình, nghe theo sự lựa chọn của bố mẹ,… Dù có là sự lựa chọn nào thì ai cũng đều có một mong muốn chung đó là sau khi tốt nghiệp sẽ tìm được một công việc như mình mong muốn, có được thu nhập ổn định và làm được những điều mình mong muốn.
Có nhiều bạn sau khi chọn ngành học được một thời gian đã cảm thấy hối hận, hối hận vì chọn ngành mình không yêu thích, hối hận vì chọn ngành theo sự định hướng của gia đình và nhiều lý do khác nữa nhưng một điều có thể nhận thấy dấu hiệu chọn sai ngành đầu tiên đó là các bạn sẽ mất hứng thú vì những gì mình đang làm, không còn động lực để cố gắng làm tốt những điều mình đang trải qua. Nếu nói các bạn thiếu ý chí và cố gắng, không có mục tiêu học tập cũng không hẳn, vì độ tuổi các bạn thật sự chưa thể hiểu và nhận định được những điều có thể xảy ra trong tương lai, việc suy nghĩ thiếu chín chắn là có thể hiểu được. Dù nói sao đi chăng nữa thì học ngành mình không thích cũng có nhiều điều không tốt:
Có thể nhiều bạn cảm thấy áp lực và chán nản vì học ngành mình không thích và không đúng sở trường với lý do là gia đình quen biết một nơi nào đó để gửi gắm nên phải học theo ý của bố mẹ. Với tâm lý không thoải mái, chỉ đi học cho hết ngày, không có định hướng cho tương lai cụ thể và tỏ lòng ngưỡng mộ bạn bè mình khi họ được học đúng ngành nghề, như thế không thể nào bạn có thể trở thành một người thật sự có chất lượng được.
Tất thảy ai làm việc cũng cần có động lực và yêu thích thật sự mới có thể làm tốt những gì mình đang mong mỏi. Khi đã học ngành mình không thích, kết quả học tập chỉ với mục tiêu cụ thể là tốt nghiệp và có được tấm bằng và không hiểu được việc học đó mang lại những gì, giúp ích được gì cho bản thân. Thêm vào đó, các giảng viên ít khi quan tâm đến việc học của sinh viên như học sinh phổ thông, việc học tập đa phần do sự chủ động và tự giác của sinh viên, các bạn vì không xác định được mục tiêu nên không đầu tư vào bài học, không quan tâm đến việc lên lớp. Các môn học chủ yếu theo hình thức giáo trình, ít có dẫn chứng hoặc đi sát thực tế nên làm các bạn không hiểu được những điều mình đang học sẽ giúp ích gì trong thực tế.
Thật ra không phải ai cũng có thể xác định được định hướng cho bản thân, mục đích và cái các bạn thật sự muốn cho “ngày mai”, một số bạn học tập theo sự định hướng của gia đình, không thể định hướng rõ cái gì mình thích và mình muốn, sau một thời gian học tập từ 1 đến 2 năm, các bạn nhận ra bản thân chọn nhầm ngành học, chọn sai nghề học, sự khó khăn bắt đầu đến từ việc đấu tranh tư tưởng giữa cái mà gia đình chọn và cái mà các bạn muốn tìm đến. Do đó, nhìn nhận đúng vấn đề là một yếu tố hết sức quan trọng, nó đánh đổi bằng cả quãng thời gian 4 năm ngồi trên giảng đường đại học của bạn.
Môi trường đại học là nơi để các bạn khởi đầu cho đam mê, cho ước mơ và những định hướng cho tương lai, vì sự chán nản và bế tắc không tìm được lối đi thật sự làm bạn trở nên khó khăn hơn rất nhiều cho tương lai và kể cả trong hiện tại. Nhưng hãy thử nhìn nhận lại vấn đề một cách tích cực, bạn có thể làm nhiều thứ tốt hơn, tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, chơi thể thao, tham gia các hoạt động cùng lớp,… Nhìn nhận mọi thứ khách quan hơn, nếu ngành bạn đang học không đúng sở thích và sở trường của bạn, hãy cố gắng học và học thật tốt nhất có thể, vì đó là những hành trang giúp ích cho các bạn rất nhiều cho tương lai, cho công việc của bạn sau khi ra trường. Nếu vẫn còn nung nấu những dự định cho đam mê, cứ tiếp tục theo đuổi sau khi bạn đã hoàn thành chương trình học tập của mình, với tuổi trẻ của các bạn, đây là giai đoạn thử thách, trau dồi, đừng ngại ngần từ chối bất kỳ kiến thức nào vì đây là hành trang cần thiết cho bạn bước vào đời.
Nếu đã lỡ học ngành mình không thích hoặc nhận ra ngành mình đang theo học không phù hợp thì phải làm sao? Giải pháp khi bạn chọn sai ngành là gì? Nhiều bạn dũng cảm bước ra khỏi sự bế tắc đó, lựa chọn cho mình hướng đi riêng đó là chuyển ngành học và sống cùng với sự lựa chọn và đam mê của bản thân để có thể ít nhất là làm tốt được những điều mà mình muốn. Một số khác tìm được niềm vui trong học tập, dù là học ngành không mong muốn nhưng các bạn dần tìm được niềm vui, tìm được lợi ích và những điều hay ho cho cuộc sống tinh thần. Hơn nữa, các bạn đừng quá lo lắng khi đang bơi giữa bộn bề kiến thức trên lớp, xã hội hiện tại đang phát triển nhanh, mọi ngành nghề đều có thể phát huy và có đất sống riêng của nó, chưa hẳn bạn học một ngành tốt mà có thể tìm được việc làm như mong muốn, tất cả còn do bản thân bạn có bản lĩnh và đủ tự tin để tự làm mới mình theo sự phát triển không ngừng đó hay không. Cũng đừng quá cứng nhắc khi quyết định cho một sự lựa chọn, đừng ngại thay đổi, đừng ngại làm mới chính mình, chủ động làm chứ đừng suy nghĩ trên lý thuyết, chỉ khi bạn bắt tay vào công việc mới thấy được những khó khăn, mới làm bạn tăng khả năng tư duy và sáng tạo, không ngừng tìm tòi và học hỏi những điều mới, có như vậy bạn mới cảm thấy công việc của bản thân là có ý nghĩa, không nhàm chán như bạn vẫn nghĩ.
CTV Myteacher
Xem thêm:
Xem thêm bài viết